
(Trích trong Chính Biến 1-11-1963&TT Ngô Đình Diệm, trang 151-167)
Đã có nhiều cuốn sách nói về cái chết oan khiên của Cố TT. Ngô Đình Diệm cùng bào đệ trong chính biến 1-11-1963. Sau đây là một bài viết mới về nghi vấn lịch sử này. Không Tên xin đăng với sự dè dặt thường lệ. Bài viết do một thân hữu gửi đến.
Chim Sâu
Ngô Đình Châu & Biến Cố 1-11-1963
Rạng sáng ngày 1 tháng 11 năm 1963,
tôi từ Bộ Chỉ Huy của Lực Lượng Đặc Nhiệm An Ninh
Quốc Lộ 15, đón xe về Sài Gòn dự đám cưới
người bạn thân là Trung Uý Nguyễn Minh Đức, Chỉ
Huy Phó Biệt Đội Sưu Tập 924.Cùng đi chung xe với tôi
có Thiếu Uý Trinh, anh là sĩ quan huấn luyện viên
trường Truyền Tin ở Vũng Tàu. Khi xe đang chạy
ngon trớn, thì bất chợt phải ngừng lại, nhường đường
cho đoàn quân xa Thủy Quân Lục Chiến, từ
hướng Tân Vạn đổ về Sài gòn. Tôi bèn nói với Trinh:
- Thủy Quân Lục Chiến đi đâu mà đông
dữ vậy, mà lại đi về hướng Sài Gòn?
Trinh trả lời:
- Chắc họ chuyển quân về miền Đông!
Khi đoàn quân xa đã vượt qua, xe tiếp
tục chuyển bánh. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện cho tới
khi về tới Sài Gòn. Chia tay với Thiếu Uý Trinh, tôi
gọi xích lô đi tới nhà Đại Uý Nguyễn Văn Nguơn, Trưởng
Phòng Huấn Luyện Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, ở đường
Trần Bình Trọng, để lấy 2 bao súng đeo ở nách: một
bao dùng cho khẩu Herstal 9 ly và một cho khẩu súng Smith &
Wesson ngắn nòng, mà tôi đã nhờ anh mua, khi đi thụ huấn
tại Mỹ.
Chúng tôi đang trò chuyện, thì người thư
ký của anh Nguơn hớt hải chạy vào nói:
- Thưa Đại Uý, Thủy Quân Lục Chiến làm
đảo chánh, họ đã đột nhập vào Tổng Nha, cắt hết
tất cả đường dây điện thoại rồi.
Nghe xong, tôi và anh Nguơn đều tái mặt.
Tôi hỏi:
- Anh có chắc vậy không?
Anh ta lập cập nói:
- Dạ chắc, họ đã bất ngờ đột nhập
vào Tổng Nha, cắt hết đường dây điện thoại và cấm
hết mọi sự ra vào. Nhân viên ai ở đâu thì ở yên
tại đó. May là họ không thấy em leo rào trốn ra
được đây báo tin.
Nghe vậy, tôi cũng nóng lòng nên vội bắt
tay anh Nguơn, xin phép anh để tôi về xem tình hình ra sao.
Đi đến đầu đường Nguyễn Hoàng, tôi thấy Thủy
Quân Lục Chiến lố nhố đứng, ngồi đóng chốt tại
đây. Thấy tôi, họ chặn hỏi:
- Đi đâu ?
Tôi trả lời:
- Đi ăn giỗ.
Cũng may lúc đó tôi mặc thường phục
nên họ không khám xét gì cả. Nếu khám xét họ thấy có
2 cây súng, thì chắc tôi cũng đã mất mạng rồi. Rời
khỏi đường Nguyễn Hoàng, tôi lội bộ về thẳng nhà ở
góc đường Hồng Thập Tự. Cất vội đồ đạc, lấy
súng dắt vô lưng quần, chạy qua nhà anh Nguyễn Linh
Tuyên, Đại Đội Trưởng Quân Cụ 831, nhà ở đường
Phan Thanh Giản. Anh Tuyên là cháu ruột của Tổng
Thống Ngô Đình Diệm.
Gặp anh Tuyên, tôi đang nói cho anh
biết về những việc nguy biến đang xảy ra cho Tổng
Thống, thì vợ Đại Uý Bằng hớt hải chạy vô hỏi:
- Anh Bằng có đến đây không?
Đồng thời chị cũng cho chúng tôi biết
là Thủy Quân Lục Chiến đã rải quân khắp các ngã
đường vào dinh Gia Long, cùng ở những nơi trọng điểm
khác. Sau khi chị Bằng ra về, tôi nói anh Tuyên tìm cho
tôi môt chiếc xe gắn máy. Anh Tuyên qua đơn vị mượn
được chiếc Lambretta của Thượng Sĩ Ngàn và anh
Tuyên còn viết cho tôi một lá thư ngắn cầm đi.
Chạy lên đến đường Gia Long, tôi ghé
vào tiệm đan dệt áo len hiệu Phúc An, chủ tiệm là bạn
tôi, để gởi xe. Tôi đi bộ sang đường Nguyễn
Trung Trực, băng qua trường Đại Học Văn Khoa, tiến sang
phía cửa hông của Dinh. Chợt tôi thấy Tùy Viên Đỗ
Thọ mặc áo T Shirt, quần Jean đang leo rào, nhảy vào
Dinh. Tôi cũng leo rào nhảy vào theo. Vào đến nơi, tôi
chạy vội xuống hầm công sự, thì thấy Tổng Thống và
ông Cố Vấn, cùng một số sĩ quan, viên chức cũng có
mặt.
Thấy tôi, ông Cố Vấn hỏi tình hình bên
ngoài ra sao ? Tôi trình bày cặn kẽ những gì đã biết
và thấy. Nghe xong, ông Cố Vấn hỏi quân số của đơn
vị tôi hiện có bao nhiêu và còn đơn vị nào nữa ở
ngoài đó ? Tôi thưa:
- Ở Phưóc Tuy có Trung Tâm Vạn Kiếp của
Trung Tá Vĩnh Lộc, ở Vũng Tàu có trưòng Truyền Tin và
Quân Cảnh, ở Long Hải có 2 Chi Đội Thiết Giáp của
Thiếu Tá Nguyễn Văn Toàn và Đại Uý Phan Hòa Hiệp.
Riêng đơn vị tôi còn có thêm 3 Tiểu Đoàn và 2 Đại
Đội trách nhiệm độc lập, hiện đang đóng quân tai
Núi Lớn ở Long Hải.
Nghe tôi trình bày xong, ông Cố Vấn
chỉ thị cho tôi:
- Mi về ngay, nói với Tuyên lấy thêm đạn
dưọc, chất nổ và liên lạc với các đơn vị để đem
quân về Sài Gòn chống đảo chính. Mi có thể dùng
chất nổ để đánh sập các cây cầu ngăn chặn mọi
sự tiến quân của phe đảo chính.
Nhận lệnh xong, tôi vội chạy về
gặp anh Tuyên và tường thuật lại những lời ông Cố
Vấn. Sau đó tôi cùng anh Tuyên đến gặp Thiếu
Tá Thụy bên Quân Cụ. Anh Tuyên nói:
- Xin Thiếu Tá cho lấy 4 xe
GMC chất đầy đủ đạn dưọc và chất nổ lên, rồi
chờ lệnh trên. Sau đó anh Tuyên ở lại cùng Đại
Đội Quân Cụ. Còn tôi thì vội vã trở về
đơn vị, họp với Ban Tham Mưu gồm có Thiếu Tá
Nguyễn Văn Thiết, Đại Uý Lê Hồng Tiên (sĩ
quan thiết giáp biệt phái), tôi, Ngô Đình Châu, và
các sĩ quan Đại Đội Trưởng họp bàn kế hoạch,
hoạch định ra mọi phương án giữ gìn an
ninh trong vùng trách nhiệm, đồng thời chuẩn bị an ninh
tối đa trục lộ, để sẵn sàng di tản Tổng
Thống và ông Cố Vấn cho được an toàn, theo như kế
hoạch đã dự tính từ trưóc, khi có biến động.
Sau cuộc họp này, Thiếu Tá Nguyễn Văn
Thiết, Đại Uý Lê Hồng Tiên và tôi còn họp riêng
thêm khoảng 15 phút. Thiếu Tá Thiết không nêu
ra một ý kiến gì mà còn có ý muốn "trở cờ".
Thấy như vậy, tôi và anh Tiên bèn ngấm ngầm ra hiệu
với nhau phân chia công tác. Cuối cùng anh Tiên
nói với tôi là anh chịu trách nhiệm liên lạc với các
cánh quân của Trung Tá Vĩnh Lộc và Thiếu Tá Nguyễn Văn
Toàn. Còn tôi thì anh Tiên nói:
- Vì anh Châu quen biết nhiều với cấp
chỉ huy các đơn vị ở ngoài này, nên anh liên lạc với
họ, đồng thời anh cũng báo cho ông Bửu biết nội tình.
Ngay tối hôm đó tôi liên lạc với các
cấp chỉ huy các đơn vị tại Vũng Tàu. Nhưng họ
lánh mặt, nên tôi không gặp được một ai cả. Sau
đó tôi đến tìm ông Nguyễn Văn Bửu, Giám đốc
Hàng Hải Thương Thuyền và trình bày cặn kẽ với ông
những diễn biến đang xảy ra, ông Bửu hỏi tôi:
- Liệu còn cách nào để cứu vãn tình
hình được không ? Tôi đáp :
- Vì tình hình diễn biến quá mau, hơn nữa
trưóc khi rời Sài Gòn về lại Cap Saint Jacques, thì
đã thấy Không Quân nhập cuộc với phe đảo chính.
Ông Bửu nghe xong nói với tôi:
- Thôi được! Chú trở về đơn vị
đi, mai mình sẽ tính.
Trên đường trở về đơn vị, tôi ghé
qua Bộ Chỉ Huy của Thiếu Tá Thiết, để hỏi xem tình
hình và dò xét xem thái độ của ông ra sao, thì được
biết tình hình mà chúng tôi chịu trách nhiệm vẫn yên
tĩnh không có gì lạ, sau đó Thiếu Tá Thiết tiễn tôi
ra cổng và hỏi:
- Thư ông Nhu viết, anh đã đưa chưa
? Theo tôi, nếu anh chưa đưa thì nên trao cho quân Cách
Mạng, để mình giữ được sự an toàn cho bản
thân!
Nghe Thiếu Tá Thiết nói vậy, tôi rất
bực mình, tôi bèn trả lời:
- Việc Thiếu Tá nói, lương tâm tôi không
cho phép làm và tôi nghĩ rằng dù có chết, mình cũng phải
giữ cho trọn vẹn hai chữ thủy chung.
Nói xong tôi ra xe về và cũng chẳng chào
hỏi gì Thiếu Tá Thiết cả. Ông Nguyễn Văn Thiết này,
nguyên là cán bộ trong Quân Đội của Việt Cộng đã hồi
chánh, may được anh em ông Nguyễn Văn Bửu và Nguyễn
Văn Thảo giúp đỡ, nên đã được "đồng hoá"
vào đơn vị Bảo Chính Đoàn, rồi leo dần lên chức Thiếu
Tá và xin biệt phái về lực lượng của chúng tôi là
Lực Lượng Đặc Nhiệm An Ninh Quốc Lộ 15. Giờ này,
trước sự nguy biến của Tổng Thống đã không đền ơn
trả nghĩa, mà còn tính chuyện phản phúc.
Lực Lượng Đặc Nhiệm An Ninh Quốc Lộ
15 của chúng tôi có nhiệm vụ giữ an ninh trục lộ chính
yếu từ đầu xa lộ Biên Hoà tới Long Hải và Cap Saint
Jacques, để đề phòng khi có biến động thì di tản Tổng
Thống cùng Ban Tham Mưu Chính Phủ ra vùng an toàn tại nhà
nghỉ mát ở Long Hải. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn
một tàu sắt, được trang bị đầy đủ máy móc
phát tuyến, truyền tin, phát thanh ... và bố trí mấy Đại
Đội độc lập trú đóng trên núí lớn Long Hải.
Lực lượng chúng tôi chỉ nhận lệnh trực tiếp từ văn
phòng Cố Vấn và thưòng xuyên liên lạc qua hệ thống
truyền tin riêng của Lữ Đoàn Phòng Vệ mà thôi.
Theo như tôi và Đại Uý Lê Hồng Tiên đã
bàn tính vớí nhau, sáng ngày 2 tháng 11 năm 63, tôi và
anh Tiên đi Sài Gòn thăm dò tin tức. Lúc lên xe nổ máy,
trời đang quang đãng sáng sủa, bỗng chốc tự nhiên
trở nên u ám khác thưòng và từ phía núi Lớn nổi
lên những cụm mây đen. Lúc đó trong lòng tôi tự
nhiên có cảm giác đây là điềm báo bất thường và
hơi lo ngại có điều gì bất trắc sẽ xảy ra, nhưng chỉ
sau vài phút, thì những đám mây u ám tan đi và trời trong
sáng trở lại.
Khi về Sài Gòn, lúc xe bắt đầu vô thành
phố thì chúng tôi gặp Trung Tá Vĩnh Lộc và lính của
Trung Tâm Vạn Kiếp đóng quân tại chân cầu Phan Thanh
Giản. Trung Tá Vĩnh Lộc đang ngồi tựa lưng vô bức tường
của Bộ Canh Nông uống bia, anh Tiên bèn ngừng xe lại,
nói với tôi:
- Mình vào gặp ông Vĩnh Lộc thăm dò tin
tức ra sao đã.
Chúng tôi vô gặp ông Vĩnh Lộc. Sau mấy
câu chào hỏi, thì thấy một chiếc xe Jeep đi tới,
trên xe có một ông Thiếu Tá đội Beret đen thuộc
binh chủng Thiết Giáp. Ông này từ trên xe bước
xuống, kêu anh Tiên ra nóí chuyện nho nhỏ với nhau. Còn
tôi thì ngồi xuống cũng dựa lưng vào bờ tường
như Trung Tá Vĩnh Lộc. Vì ngồi ở xa nên tôi không
nghe được ông Thiếu Tá nói gì, chỉ thấy ông giơ
tay lên như ra hiệu bắn và chỉ đưa hai ngón tay lên
thôi, rồi hai ngưòi cùng đi vô chỗ Trung Tá Vĩnh
Lộc. Anh Tiên giới thiệu với tôi, đây là Thiếu Tá
Dương Hiếu Nghĩa. Anh Tiên chào Trung Tá Vĩnh Lộc rồi
nói với tôi:
- Thôi mình về đi anh Châu!
Tôi hết sức ngạc nhiên, vì mình
chưa hỏi được tin tức gì mà đã bỏ ra về
sao! Nhưng nhìn thấy nét mặt anh Tiên buồn bã và
tái hẳn đi, tôi cũng không hỏi lý do tại sao lại bỏ
về. Tôi nghĩ rằng có lẽ đã có chuyện gì không hay xảy
ra cho Tổng Thống và ông Cố Vấn rồi.
Tôi và anh Tiên chào Trung Tá Vĩnh Lộc và
ra xe về. Khi tiễn chúng tôi, Trung Tá Vĩnh Lộc
còn nói với theo rằng:
- Khi nào có thịt nai thì nhớ cho tụi này
nhé!
Ra đến xe, anh Tiên bảo tôi:
- Thôi anh Châu lái đi, tôi mệt lắm
không lái được nữa đâu. Trên suốt đường đi tôi
không thấy anh Tiên nói một câu nào và tôi cũng
không hề hỏi han gì anh, vì tôi cũng còn đang bận suy
nghĩ về cử chỉ của Thiếu Tá Nghĩa và thầm cầu mong
rằng không có chuyện gì trầm trọng xảy ra cả.
Và khi về tới Bộ Chỉ Huy, lính gác mở
rào cản cho xe vô, thì một binh sĩ trong văn phòng
chạy lại báo với chúng tôi là có Đại Uý Tuyên xuống
và đang chờ ở trong phòng. Tôi và anh Tiên vội chạy
vào gặp anh Tuyên, thì thấy anh buồn ủ rũ, nưóc
mắt đầm đìa. Anh Tuyên nói trong nưóc mắt:
- Tụi nó đã giết Tổng Thống và ông
Cậu rồi!
Nói xong câu đó, anh Tuyên đứng chần
chừ một lúc, rồi từ biệt chúng tôi lấy xe đi ra Cap
để gặp ông Bửu. Lúc anh Tuyên đi rồi, anh Tiên mới
nói với tôi:
- Nghĩa nó nói với tôi là nó đã bắn
Tổng Thống và ông Cố Vấn.
Nghe anh Tiên nói, tôi choáng váng mặt mày.
Tôi thật không thể ngờ một lũ người đã từng
chịu ơn mưa móc của chế độ, của chính Tổng
Thống, mà họ đã từng phục vụ bấy lâu, nay chỉ vì
chút quyền lợi riêng tư mà họ đã ngu xuẩn, đi làm
tay sai cho ngoại bang và hành động tàn ác mù quáng.
Trước tình hình như vậy, tôi và anh Tiên
bàn bạc trước mắt là:
1- Phải thiêu hủy những mật lệnh, mật
mã và đặc lệnh truyền tin .
2- Phải đem số vũ khí riêng của ông Cố
Vấn gồm các loại súng săn cùng một số vũ khí nhỏ do
anh Tuyên sưu tập, một số đem gửi tại nhà ông Stuart,
Trưỏng Chi nhánh CIA bên Gia Định, còn một số đem gửi
Thiếu Tá Lý Tòng Bá, Chi Đội Thiết Giáp tại Trại
Nguyễn Văn Mua ở Mỹ Tho cất giùm, gồm cả 2
xe hơi nữa.
3 - Ra Cap gặp ông Bửu để tính toán công
việc. Nhưng khi vừa gặp, ông Bửu đã hối thúc tôi:
- Chú về ngay Sài Gòn đến nhà hòm Tobia
mua hai cỗ hòm thật tốt, rồi nói họ chở đến nhà ông
bà Trần Trung Dung, để lo chôn cất Tổng Thống và ông
Cố Vấn.
Ông Bửu đưa cho tôi 100.000$00. Tôi cùng
một nhân viên nữa tức tốc về Sài Gòn và đến
ngay nhà hòm Tobia, thì được bà chủ tiệm hòm
cho biết chỉ còn một cỗ hòm tốt giá 70.000$, một cỗ
giá 35.000$ thôi. Tôi nhận mua cả hai, trả tiền và đưa
địa chỉ của ông bà Trần Trung Dung và nói với
bà chủ tiệm hòm Tobia hãy liên lạc với họ, để
biết khi nào thì chở hòm tới chỗ, ông bà Trần Trung
Dung sẽ hướng dẫn.
Khi xong công việc, tôi trở lại đơn vị
để thu xếp, thì được một nhân viên mà tôi cắt
đặt công tác tại Sài Gòn đã nói cho biết: khi hay tin
Tổng Thống và ông Cố Vấn bị hạ sát, ông bà Trần
Trung Dung đã thuê ngưòi thợ xây hai kim tĩnh ở nghĩa
trang Mạc Đĩnh Chi, đồng thời cũng cho tôi hay là ngay
đêm hôm đó, Tướng Đôn và một Tướng nữa đã đến
gặp ông bà Trần Trung Dung thảo luận, để đưa thi hài
Tổng Thống và ông Cố Vấn về nhà ông bà khâm liệm và
lo việc mai tang. Nhưng ông bà từ chối, viện
lý do là sợ khối Phật Giáo và những kẻ lợi dụng cơ
hội sẽ gây hỗn loạn, vì thế các Tướng Lãnh họp
bàn và quyết định "tống táng" vị nguyên
thủ Quốc Gia Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu
ngay trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu.
Sau ngày đảo chính "thành công",
như chúng tôi đã dự liệu trưóc, đơn vị "đặc
nhiệm" của chúng tôi đã bị giải thể. Các sĩ quan
biệt phái thì được trả về đơn vị gốc, hạ sĩ quan
và binh sĩ thì được bổ xung cho các đơn vị bộ binh.
Còn một số thì được về nhà “ngồi chơi xơi nưóc"
đợi lệnh, trong số đó có tôi.
Tôi luôn bị theo dõi 24/24. Ngày hay đêm
đều có đủ bộ "tam sên": ANQĐ-TƯTB-CSĐB bám
sát theo dõi, rồi thì hết cơ quan này, đến cơ quan khác
gọi trình diện để điều tra, vì họ nghĩ rằng tôi đã
cất dấu tài sản, tiền bạc riêng của ông Cố Vấn.
Trong những ngày này, tôi rảnh rỗi, nên
đi lang thang mò mẫm, thăm dò tin tức, để biết rõ
ngọn nguồn chính xác về cái chết của Tổng Thống và
ông Cố Vấn. May mắn, tôi lần mò tìm ra được viên
Trưỏng Xa M.113 và những binh sĩ đã có mặt trên chiếc
xe "định mệnh". Họ cho tôi biết là trên
chuyến xe đi đón Tổng Thống và ông Cố Vấn từ nhà
thờ Cha Tam ra, do Đại Uý Phan Hòa Hiệp chỉ huy đoàn
xe. Và trên chuyến xe này có mặt Thiếu Tá Dương Hiếu
Nghĩa, Đại Uý Nguyễn Văn Nhung.
Khi đoàn xe đi tới cổng xe lửa, gần rạp
Olympic trên đường Hồng Thập Tự, thì cổng xe lửa
hạ xuống, buộc đoàn xe phải dừng lại. Lúc xe dừng
lại tên Đại Uý Nhung rút dao găm, nhảy vào xe đâm
ông Cố Vấn. Thấy vậy, Tổng Thống hỏi:
- Mi làm gì vậy ?
Thì ngay lúc đó Thiếu Tá Dương Hiếu
Nghĩa dùng khẩu súng Thompson bắn một phát ngay
vào ót Tổng Thống, xuyên trổ ra phía trước và một
phát từ lưng trổ ra trước ngực. Còn ông Nhu thì bị
lối 9 nhát dao găm do Đại Uý Nhung đâm, trước khi bị
Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa bắn chết.
Tiếc rằng tên tuổi của những người
này tôi có ghi lại và ghi cả số chiếc xe M.113 nữa,
song khi VC vô chiếm miền Nam, chúng đến bắt tôi và xét
nhà tịch thu tất cả hình ảnh, giấy tờ, bắt tôi đi
cải tạo hơn 14 năm.
Khi gia đình tôi sang tới Mỹ hồi tháng
Tư năm 1992, tôi đã liên lạc đưọc với Đại Tá Trần
Văn Tỷ, Chỉ Huy Trưởng Trưởng Thiết Giáp hiện ở
Cali. Trưóc kia Đại Tá Tỷ có biệt phái ra đơn
vị tôi một thời gian, tôi hỏi Đại Tá Tỷ về số
hiệu của chiếc M.113 cùng tên ngưòi Trưởng Xa, nhưng
Đại Tá Tỷ cũng không nhớ rõ và cho biết chiếc M.113
đó đã bị nổ tung vì mìn của VC sau một trận đụng
độ.
Trong một dịp tình cờ, tôi dược
gặp Thiếu Tướng Phan Hoà Hiệp cùng Trung Tá Nguyễn Văn
Phán, Thủy Quân Lục Chiến, tại tiệm Phở Xe Lửa ở
Trung Tâm Eden. Sau vài câu thăm nhau, tôi liền hỏi
Thiếu Tướng Hiệp rằng:
- Theo chỗ tôi biết, anh được cử đi
đón Tổng Thống, vậy xin anh cho biết khi đi đón Tổng
Thống và ông Cố Vấn về bộ Tổng Tham Mưu, đến
cổng xe lửa trên đường Hồng Thập Tự, thì ai nổ súng
hạ sát Tổng Thống cùng ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu?
Thực ra sự kiện này đã đưọc sách
báo trong và ngoài nước nói tới nhiều rồi. Song
tới nay, khi tôi viết những dòng này không ngoài mục
đích tìm hiểu kỹ càng mọi sự, để đưa ra ánh sáng
và công luận được biết: Ai là kẻ bóp cò súng hạ sát
Cố Tổng Thống, và cũng là trình bày với công luận
những dữ kiện mà các tưóng lãnh của phe đảo chính đã
bỉ ổi xuyên tạc bóp méo, xóa bỏ những thành tựu của
chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã vì quyền
lợi riêng tư mà cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, cho nên
họ đã đặt bút xuống viết những dòng lăng mạ
bôi nhọ cùng xuyên tạc chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà và
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một người vì dân vì nước
mà đã bị bọn phản tưóng vô nhân hạ sát.
Thiếu Tướng Phan Hòa Hiệp trả lời tôi
như sau:
- Ngày 2 tháng 11 năm 63, tôi và cánh
quân ông Thiệu đang ở Dinh Gia Long, thì ông Thiệu kêu
tôi nói rằng:
- “Tướng Đính kêu anh vô gặp ông
tại Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô”.
Tôi nhận lệnh xong, bèn hưóng dẫn đoàn
xe của tôi gồm thiết vận xa và thiết giáp đến trình
diện Thiếu Tướng Đính, trong lúc Tướng Đính đang
chích thuốc. Câu nói đầu tiên của Tướng Đính là
ra lệnh cho sĩ quan Tùy Viên lấy 30.000$00 đưa
cho tôi. Khi sĩ quan tùy viên mang tiền đưa cho tôi,
tôi hỏi lại Tướng Đính:
- “Số tiền này cho riêng tôi hay
cho chung trường Thiết Giáp?”
Tướng Đính nói:
-“Cho chung cả trường Thiết Giáp!”
Tôi bèn đưa số tiền này cho viên sĩ
quan dưới quyền đem về trường. Sau đó Tướng Đính
nói với tôi:
- “Bây giờ toa vô nhà thờ Cha Tam
để đón Tổng Thống và ông Cố Vấn về, song phải bảo
vệ Cụ cho đàng hoàng nghe!”
Nhận lệnh xong, tôi ra xe chuẩn bị
xuất phát, thì ngay lúc đó Đại Tá Dương Ngọc Lắm
tiến lại phía tôi cũng nói:
- “Cậu đón Tổng Thống thì nhớ
bảo vệ Cụ cho đàng hoàng nhé!”
Và tôi lập tức khởi hành trực chỉ
hướng Chợ Lớn, đồng thời cũng vào lúc đó,
thì xe của Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa trờ tới. Nghĩa
ngoắc tôi và ra hiệu cho tôi dừng xe lại. Khi tôi
dừng xe lại, thì Nghĩa nhảy qua xe tôi ngồi, khi xe chạy
được một quãng Nghĩa nói với tôi:
- “Lát nữa toa có thấy gì thì
cũng đừng can thiệp vào việc làm của tụi moa nhé!”
Tôi nghe và không hiểu Nghĩa muốn nói
gì, tôi trả lời:
- “Không! Có bao giờ moa
lại can thiệp vào công việc của toa”
Nghĩa bèn nóí:
- “Không! moa nói trước cho toa
hiểu thôi, nghĩa là toa có thấy tụi moa làm gì thì cũng
đừng can thiệp vào thôi”.
Thoạt đầu nghe Nghĩa nóí, tôi không
hiểu Nghĩa muốn nói gì, đến lần thứ hai nghe Nghĩa
nhắc lại, tôi chợt suy nghĩ và tôi bất ngờ quay lại
phía sau xe, thì thấy trên pháo tháp của chiếc M.113
có một Đại Uý bộ binh ngồi, tôi mới hỏi lại Nghĩa:
-“Đại Uý nào ngồi trên xe M113
vậy?”
Nghĩa trả lời tôi:
- “À, cận vệ của Tướng Minh
đó”.
Lúc này tôi có cảm giác và chợt
mường tượng rằng sắp có chuyện không hay xảy ra. Tôi
nghĩ ngợi một lát mới hỏi Nghĩa:
- “Toa thấy có cách nào tránh được
không? Theo moa thì đâu phải cần làm như vậy!”
Tôi nói lửng lơ để thăm dò
Nghĩa và tôi cũng mưòng tượng như được linh tính
báo cho biết, chắc sẽ có chuyện không lành đến
với Tổng Thống và ông Cố Vấn Nhu rồi... Nghe tôi nói
vậy, Nghĩa có vẻ hơi nóng mặt, lớn tiếng với tôi:
- “Moa đã nói rồi, toa đừng xía
vô chuyện của moa, hơn nữa còn phải trả thù cho thằng
Ngải”.
Khi nghe thấy Nghĩa nói vậy, trong
lòng tôi hồi hộp lạ thưòng, rất lo lắng bồn
chồn. Đúng lúc này, đoàn xe vừa tới Nhà Thờ
Cha Tam. Tôi ra lệnh ngừng xe thì Nghĩa vội vàng nhảy
xuống, tôi cản lại và cho lệnh tất cả các súng trên
xe chĩa vô nhà thờ, để đề phòng bên trong có quân nổ
súng ra. Sau mấy phút thì tôi thấy có một vị Linh
Mục từ trong nhà thờ tiến ra, tôi tiến đến chào và
hỏi:
- “Thưa Cha, trong nhà thờ có quân
đội không? Chúng tôi đưọc lệnh đến đón Tổng
Thống và ông Cố Vấn về”.
Nghe xong vị Linh Mục gật đầu và
nóí:
- “Trong đó không có quân đội,
tôi sẽ vô trình với Tổng Thống và ông Cố Vấn”.
Một lát sau, tôi thấy Tổng Thống và ông
Cố Vấn cùng vị Linh Mục với 2 người nữa đi ra, tôi
bèn giơ tay chào Tổng Thống và Ông Cố Vấn, trong lúc đó
thì Nghĩa tiến lại đến chỗ Tổng Thống, thấy Tổng
Thống cầm chiếc cặp da trong tay, Nghĩa cất tiếng hỏi:
-“Chiếc cặp đựng gì vậy?”
Tổng Thống đáp:
- “Giấy tờ cần thiết và quan
trọng”.
Nghĩa bèn giật chiếc cặp. Ngay
lúc đó, Tướng Mai Hữu Xuân ở đằng sau tiến lên, lấy
cái cặp ở trong tay Nghĩa và bỏ đi, không nói một
lời nào. Sau khi Tướng Xuân đi rồi, Nghĩa chỉ vào
chiếc xe M113 đã được hạ bửng sau xuống và nói:
- “Mời Tổng Thống lên xe”.
Tổng Thống có vẻ sững sờ và nhìn
ông Nhu rồi cả hai chậm rãi bước vô xe. Trong lúc
Tổng Thống và ông Cố Vấn vô xe rồi, còn tùy viên Đỗ
Thọ và một ngườì nữa mà tôi không biết tên, đứng
sớ rớ, tôi bèn nói với Đỗ Thọ và người kia sang xe
tôi ngồi, vì tôi nghĩ rằng Tổng Thống và ông Cố Vấn
chắc gặp chuyện không hay rồi, mà tôi không có cách nào
cứu được, và trong lúc tôi đang mải suy nghĩ, nên không
để ý Nghĩa có đi theo chiếc xe định mệnh chở Tổng
Thống và ông Cố Vấn hay không, thành thử tôi không thể
xác nhận là chính tay Nghĩa bóp cò súng hạ sát Tổng
Thống hay không? Nhưng tôi xác nhận Nghĩa có chân
trong Hội Đồng Đảo Chính và chủ trương hạ sát Tổng
Thống và ông Nhu.
Còn vụ Đại Uý Nguyễn Văn Nhung tự
tử, thì cứ theo tài liệu của Tướng Nguyễn Chánh Thi
nói rằng Nhung tự tử bằng dây giày ở trong Tổng
Tham Mưu. Nhưng sự thực thì Nhung không bị nhốt ở Tổng
Tham Mưu, mà bị nhốt tại Lữ Đoàn Nhảy Dù, trong trại
Hoàng Hoa Thám, theo lệnh của Tướng Nguyễn Khánh để
điều tra về số tiền 80 triệu và một số Dollar mà
Nhung đã lấy được ở Dinh Gia Long. Phụ trách vụ
này là Thiếu Tá Đỗ Đức Hạnh, Chánh Sở An Ninh Phủ
Thủ Tưóng cùng với Thiếu Úy Vinh, TQLC biệt phái
giúp Thiếu Tá Hạnh (Hạnh hiện ngụ taị Cali và
là em chú bác bên ngoại tôi).
Sở dĩ Đại Uý Nguyễn Văn
Nhung bị tạm giữ là vì khi chỉnh lý, Tướng Khánh có
hỏi Tướng Minh về số tiền 80 triệu và Dollar, thì
Tướng Minh khai rằng Tướng Minh không hề hay biết, có
lẽ Nhung nó cất giữ, nhưng khi hỏi Nhung thì Nhung một
mực khai rằng chính y đưa cho Tướng Minh, và hắn không
cất giữ một đồng nào hết, như lời Tướng Minh nóí.
Và sau đó tin từ trại Hoàng Hoa Thám báo cho biết Nhung
đã thắt cổ tự tử bằng dây giày.
Thiếu Tá Đỗ Đức Hạnh rất sửng
sốt vội cùng Thiếu Uý Vinh xuống tận nơi xem xét
và gọi Y Sĩ khám nghiệm. Kết quả cho thấy là
Nhung bị xiết cổ chết chứ không phải tự tử (Thiếu Uý
Vinh cũng cư ngụ tại Cali).
Về sau, tôi đưọc nghe tin từ
một vị Tướng (xin dấu tên), chính vị Tướng
này đích thân chứng kiến, cho thuộc hạ lấy dây giày
xiết cổ Nhung đến chết. Và vị Tướng này cũng đang cư
ngụ tại Virginia.
Sau khi hạ sát Tổng Thống và ông Cố
Vấn xong, rồi đến tháng 4-1964 Tướng Nguyễn Khánh làm
cuộc Chỉnh Lý, lên làm Thủ Tướng, rồi Quốc
Trưởng. Chính thời gian nầy, Tướng Nguyễn Khánh
chỉ đạo việc đưa ông Ngô Đình Cẩn ra Toà để buộc
tội phải chết.
Thực ra trên vấn đề pháp lý và công
lý thì ông Cẩn chẳng có một tội gì, bởi vì ông
Cẩn không hề có một chức vụ nào trong Chính
Phủ, cũng chẳng có quyền hành gì. Còn chức
vụ Cố Vấn Chỉ Đạo của ông Cẩn chỉ là một chức
vụ của Đoàn Thể mà thôi. Như vậy thì hỏi làm
sao mà có thể kết tội ông Cẩn được? Nhưng
ông Cẩn vẫn phải đi đến chỗ chết, cũng chỉ vì tin
đồn có mấy valise bạc và những số tiền ông
gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ mà thôi. Số tài sản
này, Tướng Khánh muốn ông Cẩn ủy thác cho Tướng
Khánh để làm của riêng. Nhưng ông Cẩn đã
không ký ủy thác, bởi thế, vì lòng tham lam ông Khánh
quyết định đưa ông Cẩn ra Toà và tìm cách buộc
tội nặng, kết án tử hình. Việc kết án tử
hình này cũng còn là một nguyên nhân bị áp lực từ
phía ngoại bang ?
Nói cho ngay, dù họ có lấy đưọc
số tiền này chăng nữa, thì trước sau gì ông Cẩn cũng
phải chết để họ bịt miệng. Việc này có lẽ Đại Uý
Nguyễn Văn Minh, Chánh Văn Phòng của ông Cẩn, là biết
rất rõ (cấp bậc cuối cùng của ông Minh là Trung
Tá). Hiện nay hình như ông Minh cũng cư ngụ tai
California.
Vì lý do tôi muốn tìm hiểu con người
thực của Tướng Khánh nhiều hơn, nên tôi mới liên lạc
với Trung Tá Nguyễn Danh Lũy, nguyên Trưởng Khu ANQĐ,
Khu 22 Chiến Thuật, hiện đang sống tại Houston – Texas
và được Trung Tá Lũy cho biết như sau :
- Trong ngày 1-11-1963 , tôi và ông Tư
Lệnh Sư Đoàn 22 nhận được điện của Tướng Khánh,
Tư Lệnh Quân Đoàn 2 Vùng 2 Chiến Thuật kêu chúng tôi
trình diện. Khi nhận được điện, Tướng Trị, ông Lai
Đức Hùng và tôi, đáp máy bay lên trình diện. Khi
đến nơi, chỉ có tôi và ông Trị vô gặp Tướng
Khánh. Tướng Khánh nói ngay:
- “Bây giờ các toa về thiết lập
ngay Bộ Chỉ Huy nhẹ và di tản ra ngoài rừng ngay!
Không, máy bay nó lên dội bom. Và chuẩn bị đón ông
Cụ và ông Nhu lên trên này, vắn tắt chỉ có thế vậy
thôi. Các toa về lo ngay công việc đi”.
Khi nhận lệnh xong, tôi và ông Trị
về ngay Kontum, tôi dùng điện thoại để liên lạc với
các bộ phận, thì không hiểu sao các đường dây đều
bị mất liên lạc. Tôi chuyển qua dùng máy vô tuyến
thì cũng bị vô hiệu hoá, các tần số đều bị thay đổi
hết, chỉ còn tần số của nội bộ thôi, và sau đó tôi
nhận được báo cáo có một số thiết giáp nằm án ngữ
chặn mọi ngả đường.
Tôi vội sang báo cáo với Tướng
Trị về sự việc này, Tưóng Trị cũng như tôi vỡ lẽ
ra là Tướng Khánh cốt ý gọi tôi và Tướng Trị lên để
thăm dò tư tưởng chúng tôi đối với Đệ Nhất Cộng
Hoà ra sao, và cũng có ý gọi chúng tôi lên để tiện bề
chỉ thị cho đàn em thực hiện mưu đồ cắt hết mọi
hệ thống liên lạc, ngõ hầu cô lập và cầm chân chúng
tôi, sợ chúng tôi kéo quân về chống lại đảo chính.
Thực ra, nếu ông Khánh thực lòng đối với Đệ
Nhất Cộng Hoà thì nói chuyện với chúng tôi bằng điện
thoại hoặc vô tuyến, chứ cần gì phải gọi chúng tôi
chỉ nói vài câu như vậy!
Sau khi đảo chính xong, Tướng
Khánh cất chức Tướng Trị, đưa Nguyễn Thanh Sằng vô
thay thế. Còn tôi bị mời về nhà ngồi chơi xơi
nước. Câu chuyện Tướng Khánh còn nhiều chi tiết
ly kỳ lắm, nhưng lâu ngày tôi quên mất, có lẽ hỏi
Tướng Trị có thể ông còn nhớ được đôi điều.
Nhắc tới chuyện Tướng Khánh tôi
cũng xin đưa thêm một số dữ kiện để quí vị thấy
rõ nét hơn. Sau ngày đảo chính xong, Tướng Nguyễn Khánh
từ Vùng 2 về Sài Gòn trình diện Hội Đồng Tướng Lãnh
và có gặp ông Nguyễn Văn Thảo (em ruột ông Nguyễn
Văn Bửu, Giám Đốc Hàng Hải Thương Thuyền). Tướng
Khánh nói với ông Thảo rằng:
- “Bây giờ tình thế đã thay đổi,
anh đừng lo, còn có tôi. Nếu Lực lượng của anh
bị giải thể thì anh về với tôi”.
Nghe xong, ông Thảo nói:
- “Chuyện đó để sau sẽ tính,
bây giờ tôi lo nhất là mấy đứa con ông Nhu hiện chúng
ở Đà Lạt, không biết chúng ra sao? Và làm sao đón được
chúng về và lo cho chúng qua Pháp với bà Nhu”.
Ông Khánh nói:
- “Được! Việc ấy để tôi
lo”.
Và không hiểu bằng cách nào, ông
Khánh đã tìm được mấy đứa con ông Nhu về, và để
các cháu ở ngay trong nhà ông Khánh. Sở dĩ các
cháu ở Đà Lạt là do Thượng sĩ Lưu Thành Hữu làm
hướng đạo, dẫn ông Nhu đi săn bắn và có nhiệm vụ
coi sóc mấy đứa con ông Nhu cùng đi chung. Khi đảo
chính xảy ra, anh Hữu dắt chúng đi ẩn trốn. (Sau
này anh Hữu lên Trung Tá và làm Tỉnh Trưởng Lâm
Đồng). Và cuối cùng, Toà Đại Sứ Mỹ phụ
trách đưa chúng qua Pháp với bà Nhu. Thú thực
lúc đó tôi cũng dành nhiều cảm tình và ý nghĩ tốt đẹp
với Tướng Khánh. Tôi nghĩ rằng dù sao ông Khánh cũng
còn lưu lại một chút tình nghĩa đối với gia đình Tổng
Thống, với ông bà Nhu v.v....
Nhưng đến khi chỉnh lý xong, Nguyễn
Khánh leo lên tới ghế Thủ Tướng, ông ta đã dùng quyền
hành đem vụ ông Cẩn ra xử và bắt hai anh em
ông Bửu & Thảo, ghép tội gây chia rẽ các tôn
giáo, lúc đó tôi mới nhận rõ được bộ mặt thực
của ông ta. Tôi chán ngấy và thất vọng về ông ta quá!
Hai ông Nguyễn Văn Bửu, Nguyễn Văn
Thảo bị giam tại Khối Cảnh Sát Đặc Biệt, thuộc Nha
Cảnh Sát Công An. Nhờ sự quen biết với Trung Tá
Nguyễn Trọng Thuần đang làm Trưởng Phòng Phim Ảnh của
Khối Cảnh Sát Đặc Biệt, nên tôi thường liên lạc với
Trung Tá Thuần để coi lén những cung từ mà họ bắt hai
ông cung khai ra. Vì mỗi lần lấy cung từ xong, thì họ
đưa sang chỗ Trung Tá Thuần để làm Photocopy. Khi xem được
những cung từ đó, tôi mới biết họ buộc hai ông Nguyễn
Văn Bửu, Nguyễn Văn Thảo phải cung khai những khoản
tiền và tài sản của hai ông, có liên hệ với họ Ngô
cùng với chương mục riêng của hai ông có tại các
ngân hàng trong và ngoài nước.
Sau đó họ đưa ông Nguyễn Văn
Bửu về khám Chí Hoà, còn ông Nguyễn Văn Thảo thì đưa
ra giam tại khám Phưóc Tuy. Cũng may, thời đó Tỉnh Tưởng
Phước Tuy là Đại Tá Lê Đức Đạt. Đại Tá
Lê Đức Đạt là sĩ quan Thiết Giáp, may mắn có được
chức Tỉnh Trưởng tỉnh Phước Tuy là nhờ ông Nguyễn
Văn Thảo đã nói với ông Võ Văn Hải, trình lên Tổng
Thống để ông Đạt đi làm Tĩnh Trưởng Phưóc Tuy.
Cho nên khi ông Thảo bị giam tại khám Phước Tuy, ông Đạt
cũng đã nghĩ tới tình xưa nghĩa cũ mà đối xử
còn có chút tình người.
Tiếc rằng sau ngày 30 tháng 4 năm
1975, hai ông Nguyễn Văn Bửu và Nguyễn Văn Thảo đều bị
kẹt lại Sài Gòn, vì lúc đó ông Bửu đang đau nặng
phải nằm bệnh viện, đúng lúc Việt Cộng chiếm miền
Nam thành ra bị kẹt. Rồi VC vô quản lý bệnh
viện Grall, chúng biết ông Bửu là ai rồi, chúng
bèn ra lệnh cho các bác sĩ , y tá không được điều
trị và cấp thuốc cho ông Bửu nữa, vì thế mấy ngày
sau ông Bửu mất tại Sài Gòn.
Còn ông Thảo thì hàng ngày chúng cho
Công An rình rập và canh chừng trưóc cửa nhà 24/24, nên
ông Thảo, vốn đã bị bệnh tim, quá hồi hộp lo sợ
trong cảnh cá nằm trên thớt, nên bệnh tim tái phát và
mất mấy ngày sau đó.
Nếu như hai anh em ông Nguyễn Văn Bửu
và Nguyễn Văn Thảo không kẹt và mất tại Sài Gòn mà
tới được Hoa kỳ, thì chắc chắn sẽ lột được mặt
trái của Tướng Nguyễn Khánh ra thêm nữa.
Và ở đây tôi muốn nói tới sau
ngày đảo chính, Hội Đồng Tướng Lãnh thành lập ra một
ủy ban gọi là Uỷ Ban Điều Tra Tội Ác và Tài Sản Họ
Ngô. Tất cả những ngưòi đưọc coi là thân cận
với gia đình họ Ngô đều bị tạm giữ để điều tra
trên hai phưong diện Tội Ác và Tài Sản. Nếu có tiền
bạc để trong ngân hàng thì bị phong toả. Thế nhưng có
một điều tôi lấy làm lạ là hai ông nặng ký nhất,
thân cận với họ Ngô lại không bị rắc rối gì cả,
mà vẫn sống phây phây, ở ngoài vòng cương tỏa và
cũng không bị đụng chạm tới một sợi lông chân.
Đó là hai ông Nguyễn Ngọc Thơ và Trần Trung Dung.
Tìm hiểu thì ra hai vị này trước
đây là hai vị cứu tinh của Dương Văn Minh và nói chung
thì các tướng lãnh trong Hội Đồng, đều chịu ơn mưa
móc của hai vị này, nên họ mới để cho yên thân.
Nguyên lúc ông Trần Trung Dung làm Bộ
Trưởng Quốc Phòng thì Tướng Dương Văn Minh bị kẹt
trong vụ Rừng Sát, vì đã để cho Bảy Viễn trốn thoát,
đã được ông Dung đỡ đòn cho Tướng Minh cũng
như các tướng khác có dính vào
vụ lem nhem tiền bạc, chứ thực ra họ cũng đều
một giuộc như Dương Văn Minh, nên họ ngậm miệng. Nếu
bắt giữ ông Dung thì họ sẽ bị lộ chân tướng, sẽ
bị ông Dung khui hết chuyện xưa tích cũ thì Tướng Dương
Văn Minh và các tướng khác nữa sẽ mất giá trị là
Thần Tượng Cách Mạng, nên họ đành ngậm họng.
Còn ông Nguyễn Ngọc Thơ, nguyên gốc
ngưòi xã Bình Đức, Quận Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi di
cư vô Nam từ đời ông đời cha sinh sống tại Long Xuyên,
là bạn thân của Dương Văn Minh, biết rõ gốc gác Tướng
Minh và nhiều lần đã giúp đỡ Tướng Minh.
Trong khi phe đảo chính truy cứu tất
cả những ai dính líu tới họ Ngô, trong số người bị
bắt giữ đầu tiên là hai ông Nguyễn Văn Bửu, Nguyễn
Văn Thảo và sau đó là anh Nguyễn Linh Tuyên và tôi thì
bị Khối Cảnh Sát Đặc Biệt điều tra về mấy thùng
đồ của ông Nhu mà tôi đem gửi, họ nghi là tiền bạc
cùng quí kim mà tôi đem cất giấu, tẩu tán.
Lúc này Chánh Sở Cảnh Sát Đặc
Biệt là Trung Tá Tống Đình Bắc, nên tôi hy vọng không
gặp khó khăn gì, vì Trung Tá Bắc hiểu rõ con người
tôi, nên tôi trình bày tự sự cho Trung Tá Bắc về vai
trò và nhiệm cụ của tôi và anh Nguyễn Linh Tuyên.
Trung Tá Bắc cũng đã biết anh Tuyên là cháu ruột Tổng
Thống, tính tình rất đôn hậu, khiêm nhường, nhã nhặn
với tất cả mọi người, ai cũng mến thương, nên Trung
Tá Bắc cũng chỉ hỏi qua loa cho phải phép vì lệnh của
Tướng Mai Hữu Xuân buộc Trung Tá Bắc phải thi hành.
Hiện nay Trung Tá Tống Đình Bắc cư ngụ tại Texas.
(Trần Hữu Phái trích nơi trang
151-167,quyển Chính Biến 1-11-1963 & TT Ngô Đình
Diệm)
Xin thắp nén hương lòng thành kính dâng lên hương linh Cố Tổng thống.
ReplyDeleteCó bác nào biết ai đã trói hai tay Cố Tổng thống và ông Ngô Đình Nhu không? Lúc lên xe hai người đâu có bị trói. Vậy trói từ lúc nào? Tại sao lại trói rồi mới bắn chết?